SA SINH DỤC??? NHỮNG ĐIỀU BẠN NÊN BIẾT?
Sa sinh dục là gì
Sa sinh dục là tình trạng các cơ và dây chằng của sàn chậu bị kéo căng và suy yếu (sa tạng chậu). Sự suy yếu của các cấu trúc hỗ trợ cho phép tử cung di chuyển ra khỏi vị trí bình thường và tụt vào trong âm đạo. Tình trạng này có thể rút ngắn chiều dài của âm đạo, hoặc thậm chí sa hẳn ra ngoài âm hộ.
Trên thực tế, không chỉ tử cung mà thường cả bàng quang và trực tràng sa vào trong âm đạo. Trong trường hợp nặng các tạng trên có thể sa ra ngoài âm hộ.
Bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, lao động như tiểu rắt, tiểu buốt, són tiểu, bí đại tiểu tiện, ….
Đối tượng dễ mặc bệnh
Sa sinh dụccó thể ảnh hưởng đến phụ nữ ở mọi lứa tuổi từ 20 tuổi trở lên, đặc biệt là những phụ nữ đã từng sinh nở hoặc đã mãn kinh.
Những phụ nữ thường xuyên lao động nặng nhọc, lao động tay chân, đặc biệt những người thường làm việc ở tư thế đứng, cúi, mang vác vật nặng vì áp lực ổ bụng lên đáy chậu luôn cao.
Bệnhcũng có thể gặp cả ở phụ nữ chưa từng sinh đẻ do thể trạng yếu, có dây chằng mỏng, tử cung ở tư thế trung gian thẳng trục với âm đạo vì vậy khi có áp lực mạnh trong ổ bụng sẽ đẩy tử cung sa dần xuống
Các triệu chứng sa sinh dục
Các triệu chứng đường âm đạo
- Cảm giác nặng nề hoặc áp lực trong vùng chậu, nhìn thấy hoặc cảm thấy khối phồng;
- Tiết dịch bất thường hoặc quá nhiều từ âm đạo;
- Cổ tử cung tụt qua lỗ âm đạo;
- Đau ở vùng khung chậu, bụng dưới hoặc lưng.
Triệu chứng tiết niệu
- Nhiễm trùng bàng quang với mức độ thường xuyên;
- Các vấn đề về tiểu tiện, bao gồm đi tiểu không tự chủ với tần suất đi tiểu thường xuyên, tiểu gấp hoặc són tiểu.
Triệu chứng ruột
- Không kiểm soát được tình trạng đầy hơi, phân lỏng hoặc rắn, táo bón;
- Cần dùng tay hoặc rặn ép (tác động xung quanh âm đạo hoặc đáy chậu) để việc đại tiện dễ dàng hơn.
Các triệu chứng tình dục
- Đau hoặc khó khăn khi giao hợp;
- Giảm cảm giác tình dục.
Phòng ngừa bệnh
- Sinh đẻ trong độ tuổi 22-29, khâu phục hồi tầng sinh môn nếu có tổn thương.
- Sau sinh cần được nghỉ ngơi, tránh lao động sớm trước 3 tháng.
- Tránh lao động nặng trong thời gian kéo dài và liên tục.
- Ăn uống đầy đủ, sinh hoạt điều độ, tập luyện thể dục thường xuyên.
Phương pháp điều trị:
Sa sinh dục sau sinh có thể được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật và không phẫu thuậttùy vào tình trạng của người bệnh, mục tiêu điều trị có muốn có con trong tương lai hay không, bác sĩ sẽ đưa ra các phác đồ điều trị phù hợp.
Các lựa chọn không phẫu thuật
- Bài tập cơ sàn chậu
Các bài tập đặc biệt, được gọi là Kegel, có thể giúp tăng cường sức mạnh cơ sàn chậu. Đây có thể là phương pháp điều trị duy nhất cần thiết trong những trường hợp sa tử cung nhẹ.
- Đặt vòng nâng tử cung (Pessary) trong âm đạo: Dụng cụ đặt vào âm đạo là một thiết bị vừa vặn bên trong âm đạo để giữ tử cung ở đúng vị trí. Vòng nâng tử cung được sử dụng để điều trị bệnh ở mức độ trung bình đến nặng, có thể là một lựa chọn điều trị tạm thời hoặc vĩnh viễn tùy mức độ thích hợp, chấp nhận của từng người.
- Liệu pháp thay thế Estrogen: Liệu pháp này có thể giúp làm chậm sự suy yếu của các cơ vùng chậu và mô liên kết hỗ trợ tử cung.
Lựa chọn phẫu thuật
Phẫu thuật:
Phẫu thuật cắt tử cung được áp dụng trong những trường hợp nặng. Bác sĩ thường áp dụng phương pháp phẫu thuật cắt tử cung đường âm đạo, làm lại thành trước và sau âm đạo hoặc phẫu thuật khâu bịt âm đạo. Tuy nhiên phương pháp này có khuyết điểm lớn nhất là dễ tái phát sa lại mỏm cắt âm đạo. Hơn nữa người phụ nữ bị mất đi tử cung gây tâm lý thiếu tự tin, mặc cảm.
Hiện tại, với sự tiến bộ của y học có thể điều trị bệnh sa sinh dục bằng phương pháp treo tử cung qua nội soi ổ bụng.
Phẫu thuật được sử dụng để thực hiện treo tử cung, phục hồi sự nâng đỡ tử cung và cấu trúc của sàn chậu. Bác sĩ có thể sử dụng mảnh ghép tổng hợp không tan (tồn tại suốt đời sau khi đặt vào cơ thể) để thay thế các cấu trúc cân, mạc, dây chằng bị hư hại của chính bạn. Các phẫu thuật phục hồi sàn chậu kỹ thuật cao, tiên tiến này hiện nay được ứng dụng rộng rãi trên khắp thế giới vì đây là phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, không chỉ giúp người phụ nữ khỏi bệnh mà còn khắc phục được nhược điểm của phương pháp cũ là: giữ tử cung cho người bệnh, duy trì được những chức năng sinh lý như quan hệ vợ chồng hay mang thai, sinh nở vẫn được đảm bảo.
Hiện nay, bệnh viện Phụ sản Thái Bình đã áp dụng phương pháp phẫu thuật nội soi đặt mảnh ghép tổng hợp nâng tử cung và bàng quang, giúp bảo tồn gần như nguyên vẹn chức năng niệu dục, hầu như không tái phát, ít đau, vết mổ nhỏ, hồi phục nhanh và giải quyết triệt để tình trạng rối loạn đường niệu như bí tiểu, són tiểu.
Tại Bệnh viện Phụ sản Thái Bình, phát huy vai trò là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành tuyến tỉnh. Bệnh viện tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và cung cấp các dịch vụ y tế; cải thiện cơ sở vật chất, công nghệ thông tin theo hướng hiện đại, chuyên sâu, đảm bảo vững vàng thích ứng trong các hoạt động phục vụ công tác khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, đào tạo và chỉ đạo tuyến.
Nguồn: BSCKII.Nguyễn Thị Chung – Phó trưởng khoa Khám bệnh.
Hình ảnh âm đạo- cổ tử cung và bàng quang sau phẫu thuật cùng ekip thực hiện tại BVPS tỉnh Thái Bình