Bệnh Viện Phụ Sản Thái Bình

Bệnh Viện Phụ Sản Thái Bình

Mổ cấp cứu thành công sản phụ rau tiền đạo, mạch máu tiền đạo chảy máu

Sản phụ N.Y.H.Y  (31 tuổi huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình), mang thai con lần 2 ở tuần thứ 34.

Tiền sử khám thai đã phát hiện rau bám thấp từ hơn 20 tuần, nhập viện trong tình trạng ra máu âm đạo. Sau khi thăm khám và siêu âm thai phụ được chẩn đoán:  thai 34 tuần rau bám thấp, theo dõi mạch máu tiền đạo, được  nhập khoa Sản 1. Sản phụ được theo dõi sát sao tại khoa, được điều trị nội tiết giảm co cầm máu, tiêm trợ phổi 2 mũi.

Sau 1 tuần theo dõi và điều  trị tại khoa, ngày 29/4/2025 tình hình sản phụ đột ngột chuyển biến xấu, ra máu âm đạo nhiều hơn, bệnh nhân được chuyển lên khoa Đẻ cấp cứu. Qua thăm khám, hội chẩn, thai phụ được chẩn đoán: Thai 34 tuần - Rau tiền đạo - Theo dõi mạch máu tiền đạo, Trưởng khoa Đẻ cùng ekip đã tiến hành mổ cấp cứu cho sản phụ. Ca phẫu thuật thành công với bé trai nặng 2000g cất tiếng khóc chào đời.

Đây là ca bệnh hiếm gặp, nếu xử trí muộn có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của thai nhi. Vậy mạch máu tiền đạo là gì?

Mạch máu tiền đạo thường kèm với tỷ lệ tử vong thai nhi rất cao và thường không được phát hiện cho đến khi thảm họa xảy ra. Mạch máu tiền đạo thường kèm với dây rốn bám màng. Trong hầu hết trường hợp, dây rốn bám màng và mạch máu tiền đạo không được phát hiện cho đến khi bánh rau và dây rốn được kiểm tra ở giai đoạn sau sinh. Siêu âm đen trắng và Doppler màu có thể chẩn đoán được hai tình trạng này trước sinh nhằm cung cấp thông tin cho các nhà lâm sàng để mang lại kết quả tốt hơn cho thai.

ĐỊNH NGHĨA

Thông thường, các mạch từ thai nhi sẽ trực tiếp đi vào bánh rau mà không chạy trên màng rau trên con đường đi đến bánh rau.

Mạch máu tiền đạo là một tình trạng hiếm gặp trong đó các mạch máu của thai nhi chạy trên màng rau, nằm gần hoặc đi qua lỗ trong cổ tử cung.

Thai nhi có thể bị mất máu dẫn đến tử vong trong vòng vài phút khi vỡ mạch máu này do cổ tử cung mở, vỡ ối hay bị ép giữa thai nhi và khung chậu.

TẦN SUẤT

Chiếm khoảng 1/2.500 – 1/5.000 ca sinh đơn thai. Tần suất gia tăng ở thai kỳ sau thụ tinh trong ống nghiệm (1/202). Tần suất cũng tăng lên trong dây rốn bám màng, rau bám thấp (chiếm khoảng 1/50 trường hợp rau bám thấp), bánh rau phụ, rau 2 thùy, đa thai. Tử suất cho bé: 50 – 95%

ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG

Giai đoạn trước chuyển dạ, khi không xuất huyết, không có phương pháp nào chẩn đoán được mạch máu tiền đạo bằng khám lâm sàng.

Dựa vào tam chứng sau đây nghĩ nhiều đến mạch máu tiền đạo:

• Ối vỡ.

 • Chảy máu âm đạo đỏ tươi.

• Tim thai chậm không hồi phục, ngưng cử động thai.

 Hiếm khi sờ thấy mạch đập ở màng rau khi khám lúc chuyển dạ. Nhịp tim thai giảm không hồi phục do chèn ép. Nhịp tim thai hình shin do mất máu.

CHẨN ĐOÁN

Siêu âm là chìa khóa để chẩn đoán mạch máu tiền đạo.

• Siêu âm có thể quan sát được 99% vị trí cắm dây rốn trên bánh rau ở thai 18 – 20 tuần.

 • Siêu âm giúp chẩn đoán mạch máu tiền đạo trước sinh, giúp giảm tỷ lệ bệnh và tử vong chu sinh liên quan đến mạch máu tiền đạo. Tỷ lệ sống 97% nếu được chẩn đoán trước sinh, 44% nếu không được chẩn đoán trước sinh, tỷ lệ trẻ sơ sinh phải truyền máu tương ứng là 3,4% và 58,5%.

XỬ TRÍ

  • Mục tiêu: giảm thiểu nguy cơ chảy máu thai nhi khi vỡ ối tự nhiên hoặc khi chuyển dạ.
  • Trước sinh

+  Nếu xác định được mạch máu tiền đạo khi khám siêu âm trước sinh: kiểm tra thai kỳ mỗi tuần đối với bệnh nhân ngoại trú khi thai được 32 tuần tuổi để tìm bất kỳ bằng chứng nào về sự chèn ép dây rốn.

+ Dùng Betamethasone hỗ trợ phổi thai ở tuần lễ 28 đến 32 tuần thai kỳ.

+ Nhập viện khi thai được 30 đến 34 tuần: Nhập viện cho phép theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu chèn ép dây rốn. Thực hiện non–stress test hai đến ba lần mỗi ngày. + Theo dõi ngoại trú ở những phụ nữ có cổ tử cung đóng dài, không co bóp hoặc không chảy máu âm đạo, không có tiền sử sinh non tự nhiên và sống gần bệnh viện.

  • Thời điểm chấm dứt thai kỳ: Mổ lấy thai cấp cứu ngay khi vỡ ối hoặc bắt đầu vào chuyển dạ. Tuổi thai tối ưu để chấm dứt thai kỳ chưa được thiết lập, tuy nhiên vì tỷ lệ tử vong thai nhi cao, một số tác giả đề nghị chấm dứt thai kỳ ở tuổi thai 34 – 35 tuần, tuy nhiên thời điểm này tần suất suy hô hấp của trẻ sơ sinh vẫn còn cao. Theo SOGC ( hiệp hội Sản phụ khoa Canada) khuyến cáo mổ lấy thai ở 35 – 36 tuần thai kỳ (sau khi đã hỗ trợ phổi thai) nhằm tránh vào chuyển dạ, tránh vỡ ối.

 

KẾT LUẬN

  • Việc chẩn đoán trước sinh và tuổi thai ở thời điểm sinh là những yếu tố tiên lượng có ý nghĩa về khả năng sống của trẻ sơ sinh.
  • Siêu âm khảo sát mạch máu tiền đạo trong ba tháng giữa thai kỳ cho các đối tượng: dây rốn bám màng, rau bám thấp, bánh rau 2 thùy, bánh rau phụ, thụ tinh trong ống nghiệm, đa thai. Khi chẩn đoán mạch máu tiền đạo trước sinh, cần theo dõi thai kỳ, hỗ trợ phổi thai nhi, chấm dứt thai kỳ sớm trước khi vào chuyển dạ bằng mổ lấy thai chủ động nhằm tránh biến chứng nguy hiểm cho bé.

Tác giả: Bs Nguyễn Ngọc Vững

              Bs Phạm Thị Linh