Bệnh Viện Phụ Sản Thái Bình

Bệnh Viện Phụ Sản Thái Bình

Liên cầu khuẩn nhóm B là gì?

Các Mom tham khảo và hãy làm tất cả những gì tốt nhất cho con yêu của mình nhé!

Liên cầu khuẩn nhóm B ở phụ nữ mang thai (tên tiếng Anh Group B streptococcus - GBS) là một loại vi khuẩn thường trú ở đường tiêu hóa và đường tiết niệu, đường sinh dục. Loại vi khuẩn này xuất hiện ở 20 - 30% phụ nữ mang thai và thường không gây ra bất kỳ biểu hiện nào.

Nguyên nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B: GBS không phải là bệnh lây qua đường tình dục mà là sinh vật hội sinh - sống trong cơ thể. Liên cầu khuẩn nhóm B có nguy hiểm không? Trong hầu hết trường hợp, GBS không gây hại cho phụ nữ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, GBS gây viêm nhiễm cổ tử cung hoặc viêm đường niệu ở các sản phụ. Đặc biệt, vì liên cầu khuẩn nhóm B tồn tại trong âm đạo nên nó có thể lây nhiễm cho trẻ sơ sinh trong quá trình chuyển dạ và gây ra một số bệnh nguy hiểm.

 

 

Liên cầu khuẩn nhóm B là gì?

Liên cầu khuẩn nhóm B (GBS) là một trong nhiều loại vi khuẩn thường trú ở cơ thể người, thường được tìm thấy ở âm đạo hoặc trực tràng của người phụ nữ (20-40%). GBS không phải là bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Hầu hết phụ nữ mang thai bị nhiễm GBS không biểu hiện triệu chứng lâm sàng. GBS không gây nguy hiểm cho bạn, tuy nhiên nó làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu, vỡ màng ối, viêm nội mạc tử cung, nhiễm trùng vết mổ, thai chết lưu và sinh non.

Trẻ sơ sinh của bà mẹ nhiễm GBS sẽ tiếp xúc với GBS trong quá trình chuyển dạ hoặc sinh. Phần lớn những trẻ này sẽ không bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu có nhiễm GBS, con bạn sẽ có một tỉ lệ nhỏ bị nhiễm GBS, đôi khi dẫn đến nhiễm trùng sơ sinh nặng, thậm chí tử vong. Điều trị kháng sinh dự phòng trong giai đoạn chuyển dạ sẽ giúp giảm tỉ lệ lây nhiễm GBS từ mẹ sang con.

Tại sao xét nghiệm GBS trước sinh là cần thiết?

GBS được xem là tác nhân hàng đầu gây nhiễm trùng sơ sinh như viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm màng não. Mẹ nhiễm GBS có thể lây truyền cho trẻ sơ sinh trong quá trình chuyển dạ. Do đó, biết được tình trạng sản phụ có nhiễm GBS trước sinh hay không giúp bác sĩ đưa ra các quyết định điều trị nhằm làm giảm tỉ lệ lây nhiễm, đồng thời tăng cường theo dõi trẻ sau sinh để phát hiện sớm nhiễm trùng sơ sinh và điều trị kịp thời. Trẻ sơ sinh nhiễm GBS được phân thành hai nhóm: khởi phát sớm 7 ngày đầu sau sinh và khởi phát muộn từ 7 ngày đến 90 ngày tuổi. Mặc dù nhiễm trùng GBS có thể khiến em bé của bạn không khỏe, nhưng nếu được điều trị kịp thời, hầu hết các em bé sẽ hồi phục hoàn toàn. Mặc dù vậy, trong số những trẻ sơ sinh bị nhiễm GBS khởi phát sớm, vẫn có một tỉ lệ nhỏ (5,2-7,4%) sẽ tử vong hoặc mắc phải các di chứng lâu dài.

Xét nghiệm GBS được thực hiện như thế nào?

Thai phụ sẽ được đề nghị xét nghiệm GBS ở thời điểm thai 35 tuần đến 37 tuần 6 ngày (đối với đơn thai), 32-34 tuần (đối với đa thai) hoặc khi thai kỳ có dấu hiệu sinh non hoặc vỡ ối non và sau khi có được sự đồng thuận của thai phụ.

Mẫu xét nghiệm được lấy ở cùng đồ bên âm đạo và trực tràng bằng 1 que tăm bông nhỏ. Kết quả thường sẽ có sau khi lấy mẫu 1 tuần, trường hợp sinh non hoặc vỡ ối non sẽ có kết quả sớm hơn.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm GBS ở trẻ sơ sinh:

Xét nghiệm GBS trước sinh dương tính

Trẻ sinh non hoặc vỡ ối non trước 37 tuần

Tiền căn có con bị nhiễm GBS ở lần sinh trước

Mẹ bầu có dấu hiệu nhiễm trùng hoặc sốt trong quá trình chuyển dạ

Vỡ ối lâu trên 24h trước sinh.

Các biện pháp giúp giảm nguy cơ lây nhiễm GBS cho trẻ sơ sinh:

- Điều trị kháng sinh cho những sản phụ bị nhiễm trùng tiểu do GBS.

- Yêu cầu kháng sinh dự phòng trong quá trình chuyển dạ cho những trường hợp sau:

Có xét nghiệm GBS trước sinh dương tính

Khi không có thông tin về tình trạng nhiễm BGS của sản phụ nhưng có vỡ ối hoặc chuyển dạ xảy ra trước 37 tuần thai kỳ hoặc tiền căn có con bị nhiễm trùng sơ sinh do GBS ở lần sinh trước.

Nguồn: BS Nguyễn Thị Yến - Khoa Xét nghiệm BV Phụ sản Thái Bình.

Phòng Công tác xã hội - BV Phụ sản Thái Bình