Bệnh Viện Phụ Sản Thái Bình

Bệnh Viện Phụ Sản Thái Bình

THAI NGOÀI TỬ CUNG

Thai ở ngoài tử cung là một trong những biến chứng trong thai kỳ nguy hiểm, đe dọa đến sức khỏe sinh sản và tính mạng của người phụ nữ. Tỷ lệ thai phụ có thai ngoài tử cung ngày càng có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Do vậy,việc trang bị những kiến thức cần thiết về thai ở ngoài tử cung sẽ giúp chị em phụ nữ có biện pháp phòng ngừa và có phương hướng xử trí kịp thời.

Mang thai ngoài tử cung là hiện tượng trứng đã thụ tinh nhưng không nằm trong niêm mạc buồng tử cung mà phát triển ở một vị trí khác bên ngoài tử cung như vòi trứng (thường gặp nhất), cổ tử cung, buồng trứng, ổ bụng. Một vị trí đặc biệt khác của thai ngoài tử cung là thai bám ở sẹo mổ lấy thai trước đó.

Trong quá trình diễn ra sự thụ tinh có hàng triệu tinh trùng được phóng vào âm đạo nhưng chỉ có một tinh trùng khỏe mạnh nhất mới có thể gặp trứng để tạo nên hợp tử. Sau khi thụ tinh ở 1/3 ngoài của vòi tử cung, phôi di chuyển vào buồng tử cung .Vì một lý do nào đó, quá trình di chuyển của phôi bị trục trặc, ách tắc giữa đường đi nên đành phải phát triển tại nơi ách tắc. Đây không phải là nơi an toàn để phôi thai phát triển và khi phôi thai càng lớn khiến vòi trứng phải căng ra, đến khi bị vỡ, máu chảy vào ổ bụng sẽ vô cùng nguy hiểm đến tính mạng của thai phụ. Theo thống kê 1.000 phụ nữ mang thai có khoảng 4-5 người mang thai ngoài tử cung.

 

Nguyên nhân dẫn đến mang thai ngoài tử cung:

- Thai phụ bị viêm nhiễm đường sinh dục dưới không được điều trị dẫn đến viêm tắc 2 vòi tử cung: viêm dính, viêm nhiễm vòi trứng (chủ yếu do nhiễm Chlamydia), viêm vùng chậu do mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục hoặc do nạo phá thai.

- Do tắc, hẹp, quá dài, bị xoắn, co bóp và nhu động bất thường của vòi tử cung.

- Mắc các bệnh như lạc nội mạc tử cung, u nang buồng trứng, sau phẫu thuật tạo hình vòi trứng,...

- Ngày nay tỷ lệ mổ lấy thai ngày càng tăng cũng làm tăng nguy cơ chửa ở sẹo mổ lấy thai. Đây là một thể rất nguy hiểm nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm.

- Phụ nữ nghiện thuốc lá, sống lâu dài trong môi trường có khói thuốc lá…

Dấu hiệu nhận biết mang thai ngoài tử cung

Chậm kinh: Với thai ngoài tử cung, chậm kinh là dấu hiệu đặc biệt có giá trị khi kinh nguyệt của người phụ nữ đều. 

Đau bụng: Khi đau bụng, một trong hai bên hố chậu đau âm ỉ hoặc thành từng cơn. Khi khối thai vỡ thì thai phụ thấy đau nhói và choáng.

Ra máu: Máu âm đạo sẫm màu, ra từng đợt hoặc kéo dài sau 1 vài tuần chậm kinh.

Đau bụng kèm theo ra máu khi mới mang thai có thể là dấu hiệu của thai ngoài tử cung.

Bên cạnh những dấu hiệu lâm sàng, thai phụ cũng cần phải thực hiện những xét nghiệm, siêu âm cần thiết để chắc chắn đó là thai ngoài tử cung như: xét nghiệm beta hCG, siêu âm (Siêu âm đầu dò âm đạo được xem là phương tiện tốt nhất để chẩn đoán sớm chửa ngoài tử cung).

Dấu hiệu của thai ngoài tử cung rất dễ nhầm với một số bệnh và biến chứng khác, đặc biệt là sảy thai. Vì vậy, khi có các dấu hiệu trên, thai phụ cần tới ngay bác sĩ chuyên khoa để thăm khám.Trường hợp bệnh nhân không đi khám sớm nếu thai ngoài tử cung vỡ sẽ dẫn đến mất máu, nhiều bệnh nhân có thể sốc do mất máu thậm chí là tử vong.

Phương pháp điều trị thai ngoài tử cung

Mỗi phương pháp điều trị thai ngoài tử cung đều có tiêu chuẩn riêng. Căn cứ vào tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp và tốt nhất cho thai phụ.

Điều trị nội khoa:

Đối với các trường hợp thai ngoài tử cung được phát hiện sớm, có kích thước bé (đường kính không quá 3cm) và chưa bị vỡ thường được điều trị bằng thuốc.

Loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất trong trường hợp này là Methotrexate, có tác dụng ngăn chặn sự phân chia và phát triển của tế bào, giúp khối thai tự tiêu biến sau 4 – 6 tuần điều trị. Methotrexate sẽ được dùng theo đường tiêm. Sau khi tiêm, thai phụ cần được theo dõi, tiến hành xét nghiệm beta hCG để xác định hiệu quả của điều trị, bác sĩ có thể thay đổi liều thuốc, hoặc can thiệp phẫu thuật tùy từng trường hợp cụ thể.

Sau quá trình điều trị, thai phụ cần tránh việc mang thai lại trong tối thiểu 3 tháng hoặc lâu hơn theo hướng dẫn và tư vấn của bác sĩ.

Điều trị ngoại khoa

Tùy vào tình trạng bệnh nhân mà các bác sỹ sẽ lựa chọn phương pháp mổ hở hay nội soi cắt vòi tử cung hoặc bảo tồn vòi tử cung.

Phẫu thuật nội soi

được áp dụng trong trường hợp khối thai có kích thước lớn nhưng chưa bị vỡ. Hai dạng phẫu thuật nội soi được áp dụng phổ biến nhất là phẫu thuật mở thông vòi tử cung và phẫu thuật cắt bỏ vòi tử cung.

Cần chú ý rằng phụ nữ vẫn có thể mang thai ngay cả khi đã cắt bỏ ống dẫn trứng. Trường hợp cả hai vòi tử cung đều bị cắt bỏ thì phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) chính là lựa chọn hàng đầu giúp phụ nữ mang thai và có con.

Phẫu thuật mở bụng

Những trường hợp thai ngoài tử cung phát triển lớn và bị vỡ, gây xuất huyết trong nghiêm trọng thì bắt buộc cần tiến hành phẫu thuật mở bụng để điều trị. Thông thường, ống dẫn trứng trong trường hợp này đã bị hư hỏng nên cần được loại bỏ.

Biện pháp phòng tránh mang thai ngoài tử cung

Để đề phòng thai ngoài tử cung, chị em phụ nữ cần thăm khám kĩ lưỡng trước khi quyết định mang thai.

Thứ nhất, phải thường xuyên vệ sinh vùng kín, đặc biệt trong kì kinh nguyệt, sau quan hệ tình dục, khi đang điều trị viêm nhiễm phụ khoa, sau sinh nở. Phải kiểm tra sức khỏe định kỳ, phát hiện và điều trị sớm các viêm nhiễm sinh dục.

Thứ hai, phụ nữ cần chữa các bệnh liên quan đến lạc nội mạc tử cung, bất thường giải phẫu vòi tử cung.

Thứ ba, sau khi có dấu hiệu có thai (chậm kinh, thử thai bằng que thử HCG dương tính) hoặc có hiện tượng rối loạn kinh nguyệt phải đến khám tại cơ sở y tế có chuyên khoa Phụ sản.

Thứ tư, hạn chế tỷ lệ mổ lấy thai bằng việc quản lý thai nghén chặt chẽ tại các cơ sở chuyên khoa. Nếu phát hiện chửa sẹo mổ lấy thai thai phải được điều trị tại cơ sở có đầy đủ trang thiết bị hiện đại, bác sỹ có kinh nghiệm và trình độ.

Sau khi điều trị thai ngoài tử cung, chị em nên đợi ít nhất 6 tháng đến 1 năm mới có thai trở lại. Lúc này, cơ thể người phụ nữ đã ổn định nên sẽ tránh được những biến chứng của việc bị thai ngoài tử cung trước đó.

Hiện nay, Bệnh viện Phụ sản tỉnh Thái bìnhđã triển khai được nhiều kỹ thuật mới, việc chẩn đoán sớm và điều trị chửa ngoài tử cung đã đáp ứng được nhu cầu và hạn chế những rủi ro cho người bệnh.

(Bệnh nhân được các bác sĩ bệnh viện phụ sản Thái Bình cấp cứu, phẫu thuật Chửa ngoài tử cung vỡ trụy mạch ngay trong đêm tại Trạm Y tế xã Thụy Phong.)

 

Phòng Công tác xã hội - Bệnh viện Phụ sản Thái Bình