Giới thiệu xét nghiệm kháng Phospholipid
Anti Phospholipid (APS)
Hội chứng kháng phospholipid (APS) là gì?
Hội chứng kháng phospholipid được đặc trưng bởi sự xuất hiện tình trạng tắc động mạch hoặc tắc tĩnh mạch hoặc các biến chứng sản khoa, đồng thời về mặt xét nghiệm thấy có mặt các kháng thể kháng phospholipid trong máu.
Theo một nghiên cứu đa trung tâm tiến hành trên 1000 bệnh nhân mắc hội chứng kháng phospholipid, người ta thấy biến chứng sản khoa hay gặp nhất trong quần thể nghiên cứu là sảy thai liên tiếp chiếm 35,4%, đẻ non 10,6%, tiền sản giật 9,5%, sản giật 4,4%, thai chậm phát triển trong tử cung, thiểu ối. Theo 2 tác giả Abramson J G và Bick R.L, hội chứng kháng phospholipid là nguyên nhân hay gặp gây sảy thai liên tiếp, chiếm tới 60% các trường hợp sảy thai liên tiếp không rõ nguyên nhân.
Hội chứng kháng phospholipid (APS) là bệnh lý có khả năng điều trị, đem lại kết quả khả quan, phòng được tai biến sản khoa. Vì vậy, việc chẩn đoán sớm, theo dõi và điều trị các trường hợp APS cần được quan tâm.
Tại sao APS ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai?
Rau thai là cơ quan phát triển cùng với em bé trong bụng mẹ khi mang thai, cung cấp cho em bé chất dinh dưỡng và oxy thông qua nguồn cung cấp máu đặc biệt.
Nhiều nghiên cứu cho rằng kháng thể kháng phospholipid sẽ dẫn tới tắc mạch trong tuần hoàn tử cung rau, vì thế gây nên các biến chứng sản khoa. Hiện tượng tắc mạch này xảy ra do nhiều cách khác nhau.
Khi thai nhỏ, bánh rau càng nhỏ, các động mạch tử cung càng nhỏ, sự hình thành huyết khối càng gây ảnh hưởng lớn đối với thai, làm giảm sự nuôi dưỡng của thai và làm thai chết. Chính vì vậy mà hội chứng kháng phospholipid thường gây chết phôi, thai, đỉnh điểm là ở quý I của thai kỳ. Ở những tuổi thai lớn việc hình thành cục máu đông khi mang thai có thể dẫn đến những hậu quả, bao gồm: Sẩy thai liên tiếp, sinh non, tiền sản giật, hạn chế tăng trưởng trong tử cung (IUGR), nhau bong non, thai chết lưu.
Các trường hợp chỉ định xét nghiệm chẩn đoán APS?
+ Tắc tĩnh mạch và/ hoặc động mạch ở người dưới 50 tuổi.
+ Tắc mạch ở những vị trí không thường gặp hoặc liên quan đến bệnh tự miễn.
+ APTT kéo dài không rõ nguyên nhân.
+ Một hoặc nhiều lần thai hơn 10 tuần, có hình thể bình thường chết lưu hoặc sảy.
+ 3 hoặc hơn 3 lần sảy thai tự phát trước 10 tuần mà không có bất thường về giải phẫu hoặc nội tiết của mẹ, bất thường nhiễm sắc thể của bố mẹ.
+ Sản giật hoặc TSG, thai chậm phát triển trong tử cung, thiểu ối không rõ nguyên nhân. Sảy thai, thai chết lưu muộn không rõ nguyên nhân.
+ Lupus ban đỏ hệ thống, bệnh tự miễn
Thời điểm xét nghiệm tìm kháng thể kháng phospholipid (aPL)
+ XN aPL ban đầu: Thông thường, xét nghiệm aPL ban đầu được thực hiện tại thời điểm xuất hiện huyết khối hoặc biến cố thai kì.
+ XN aPL lặp lại để xác định: Ở những BN có XN dương tính ban đầu về aPL, XN phải được lặp lại sau ít nhất 12 tuần để xác nhận sự tồn tại của kháng thể kháng Cardiolipin (aCL), kháng thể kháng β2-Glycoprotein I hoặc kháng đông Lupus. Nồng độ IgG hoặc IgM của kháng thể kháng Cardiolipin tạm thời tăng cao, cũng như xét nghiệm kháng đông Lupus dương tính, có thể xảy ra trong một số bệnh nhiễm trùng hoặc do thuốc.
Tiêu chuẩn chẩn đoán
Hiện nay thế giới áp dụng tiêu chuẩn Sydney 2006 của ISTH trong chẩn đoán APS
+ Tiêu chuẩn lâm sàng
- Tắc mạch: Một hoặc nhiều lần tắc động, tĩnh mạch hoặc mạch nhỏ ở bất kỳ cơ quan tổ chức nào. Tắc mạch phải được chẩn đoán bằng mô bệnh học và không có biểu hiện của phản ứng viêm trên thành mạch.
- Các biến chứng sản khoa:
+ Có một hoặc nhiều lần thai hơn 10 tuần, có hình thể bình thường chết lưu hoặc sảy. Hình thể bình thường có thể quan sát trực tiếp hoặc dựa vào siêu âm.
+ Một hoặc nhiều lần đẻ non trước 34 tuần, thai có hình thể bình thường, do các nguyên nhân sau: sản giật, tiền sản giật nặng, bánh rau có dấu hiệu kém phát triển.
+ Có từ 3 hoặc hơn 3 lần sảy thai tự phát trước 10 tuần mà không có bất thường về giải phẫu hoặc nội tiết của mẹ, bất thường nhiễm sắc thể của bố mẹ.
+ Tiêu chuẩn xét nghiệm
- Kháng thể lupus anticoagulant (LA) có trong huyết thanh hoặc huyết tương.
- IgG và/ hoặc IgM của kháng thể kháng cardiolipin trong huyết thanh hoặc trong huyết tương dương tính.
- IgG và/ hoặc IgM của kháng thể β2 Glycoprotein-I trong huyết thanh hoặc huyết tương dương tính.
Tất cả các kháng thể này đều phải tồn tại ở ít nhất 2 lần cách nhau ít nhất 12 tuần.
+ Chẩn đoán hội chứng kháng phospholipid khi có ít nhất một tiêu chuẩn lâm sàng và một tiêu chuẩn xét nghiệm.
Chỉ định xét nghiệm kháng phospholipid tại Bệnh viện Phụ sản Thái Bình?
- Phát hiện kháng thể lupus anticoagulant (LA):
+ Phát hiện chất kháng đông lupus (LA Screen - Lupus Anticoagulant Screen).
+ Khẳng định chất kháng đông lupus (LA Confirm - Lupus Anticoagulant Confirm).
- Định lượng anti cardiolipin IgG và/hoặc IgM
- Định lượng anti β2-Glycoprotein I IgG và/ hoặc IgM
Hội chứng kháng phospholipid gây ra rất nhiều biến chứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khoẻ. Vì vậy khi cơ thể bạn có các triệu chứng kể trên nhất là phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, phụ nữ mang thai cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và tư vấn. Bệnh viện Phụ sản Thái Bình với đội ngũ nhân viên y tế có trình độ chuyên môn cao và trang thiết bị hiện đại là một trong những lựa chọn tốt nhất đối với bạn trong lĩnh vực này.
Ths.Bs. Vũ Thị Ngân - Trưởng Khoa Xét nghiệm Bệnh viện Phụ Sản TB