Nuôi con bằng sữa mẹ - Mẹ bỉm sữa nào cũng phải biết!
Từ ngày 01/8 đến ngày 07/8 hàng năm, Tuần lễ thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ được các quốc gia trên thế giới tổ chức nhằm khuyến khích và tăng cường việc nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM).
Tuần lễ Thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ năm 2024 với chủ đề “Thu hẹp khoảng cách - Hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ cho tất cả các bà mẹ - Kết nối vòng tay yêu thương”, sẽ tập trung đẩy mạnh hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ cho tất cả các bà mẹ để giảm bất bình đẳng trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, đặc biệt tập trung vào hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ trong các tình huống khẩn cấp để không một bà mẹ nào bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là những bà mẹ dễ bị tổn thương, những người có thể cần thêm sự hỗ trợ để giảm bất bình đẳng trong việc nuôi con bằng sữa mẹ.
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trong sữa mẹ có đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho nhu cầu phát triển của trẻ và sữa mẹ có nhiều kháng thể giúp trẻ chống lại các bệnh nhiễm khuẩn. Việc cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu không chỉ có lợi cho trẻ, mà còn có lợi cho bà mẹ trên nhiều phương diện
1. Đối với trẻ
Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ là mang đến cho trẻ nguồn dinh dưỡng tuyệt vời nhất bao gồm:
- Cung cấp dinh dưỡng: Sữa mẹ cung cấp gần như đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ như: Vitamin, khoáng chất, đạm, protein và chất béo… Bên cạnh đó, sữa mẹ chứa nhiều đạm dễ tiêu hóa giúp trẻ hấp thụ dinh dưỡng tối đa, nhất là trong giai đoạn sơ sinh khi hệ tiêu hóa vẫn chưa hoàn thiện.
- Cung cấp kháng thể tự nhiên vô giá: Sữa mẹ có chứa nhiều kháng thể giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ để chống lại sự tấn công của vi rút và vi khuẩn. Đặc biệt sữa mẹ là một thực phẩm hoàn toàn sạch, bé lại uống trực tiếp nên rất đảm bảo vệ sinh, an toàn.
- Giảm nguy cơ mắc bệnh: Trẻ bú sữa mẹ giúp giảm nguy cơ dị ứng, sâu răng, giúp phát triển xương hàm, răng, giọng nói, khuôn mặt tốt hơn. Sữa mẹ giàu dinh dưỡng nhưng việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ lại không khiến bé tăng cân quá mức gây thừa cân, béo phì, đặc biệt là trong hai năm đầu đời. Đồng thời, trẻ bú sữa mẹ cũng giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh như: Viêm tai giữa, bệnh về đường hô hấp, cảm lạnh, nhiễm tụ cầu, rối loạn đường ruột, tiểu đường, huyết áp.
- Giúp trẻ thông minh hơn: Nghiên cứu chỉ ra rằng, nuôi con bằng sữa mẹ giúp trẻ có chỉ số IQ cao hơn trong thời thơ ấu do sữa mẹ rất giàu HMO – thành phần giúp nuôi dưỡng hệ vi sinh đường ruột, giúp trẻ có hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Khi hệ tiêu hóa khỏe mạnh sẽ giúp tăng cường sự liên kết thần kinh, làm cho não hoạt động tốt hơn, từ đó trẻ thông minh hơn. Ngoài ra, sữa mẹ còn giàu DHA, thành phần quan trọng nhất cho sự phát triển trí não của trẻ.
- Giúp trẻ gần gũi với mẹ hơn: Việc nuôi con bằng sữa mẹ sẽ tạo ra sự gần gũi về thể chất khi mẹ vừa tiếp xúc da thịt vừa giao tiếp bằng mắt với con. Điều này giúp tạo ra sự gắn kết giữa mẹ và bé.
2. Đối với mẹ
- Hỗ trợ giảm cân: Việc cho con bú sẽ đốt cháy nhiều calo hơn, từ đó giúp mẹ giảm cân nhanh hơn.
- Giúp tử cung co lại nhanh hơn: Thời kỳ mang thai, tử cung phải giãn ra để đáp ứng sự phát triển của thai nhi và dần co lại sau khi em bé ra đời. Khoa học đã chứng minh, khi cho con bú, lượng hormone oxytocin trong cơ thể người mẹ sẽ tăng cao, giúp co thắt tử cung, giảm chảy máu, để tử cung sớm trở lại kích thước như trước khi mang thai.
- Giảm nguy cơ trầm cảm sau sinh: trầm cảm sau sinh có thể xuất hiện ngay sau khi sinh con. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, phụ nữ cho con bú có thể ít bị trầm cảm sau sinh hơn so với những không nuôi con bằng sữa mẹ hoặc cai sữa sớm.
- Giảm nguy cơ mắc bệnh tật: Việc cho con bú sớm sau khi sinh có thể giúp tuyến sữa của mẹ được thông suốt, hạn chế nguy cơ bị ung thư vú, viêm tắc vú, …
Thêm vào đó, phụ nữ cho con bú ít có nguy cơ mắc phải các bệnh như huyết áp cao, viêm khớp, mỡ máu cao, tim mạch và tiểu đường tuýp 2.
- Giảm nguy cơ loãng xương: Cơ thể mẹ tuy cần nhiều canxi cho việc tạo sữa nhưng người ta nhận thấy rằng khi cai sữa cho trẻ, mật độ xương sẽ trở về như trước khi mang thai, thậm chí còn cao hơn. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, các bà mẹ không cho con bú có nguy cơ gãy xương chậu sau mãn kinh cao hơn so với các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ.
Tại Bệnh viện Phụ sản Thái Bình, thực hiện chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ (EENC), các trẻ ngay sau sinh được hỗ trợ cho con bú sớm trong vòng 30 phút đến 1 giờ đầu sau khi sinh, điều này sẽ giúp cho trẻ khỏe mạnh. Tại các khoa sản, tổ chức tư vấn, hướng dẫn nuôi con bằng sữa mẹ cho phụ nữ mang thai và bà mẹ nuôi con nhỏ về lợi ích của việc cho bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh, nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và bú mẹ kéo dài đến 24 tháng và cách duy trì nguồn sữa mẹ Bệnh viện luôn chú trọng việc hỗ trợ bà mẹ NCBSM:
1. Chính sách của Bệnh viện nhằm hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ: Không tiếp thị sữa công thức, thực hành chuẩn NCBSM, theo dõi, hỗ trợ NCBSM
2. Năng lực của nhân viên y tế: Đào tạo cho nhân viên y tế về hỗ trợ NCBSM, đánh giá kiến thức và kỹ năng của NVYT về NCBSM
3. Chăm sóc phụ nữ có thai
4. Chăm sóc ngay sau sinh: Khuyến khích da kề da ngay sau sinh, hỗ trợ cho trẻ ngậm bắt vú đúng, …
5. Hỗ trợ bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ
6. Không cho trẻ sơ sinh uống gì ngoài sữa mẹ
7. Không cách ly bà mẹ và trẻ sơ sinh
8. Đáp ứng với nhu cầu bú mẹ
9. Nguy cơ khi sử dụng bình bú và núm vú giả
10. Khi ra viện; Giới thiệu các nhóm hỗ trợ NCBSM
Vì vậy, phụ nữ nên nuôi con bằng sữa mẹ và phải thực hiện đúng cách để mang đến cho con sự bảo vệ và phát triển tốt nhất trong giai đoạn đầu đời. Đây cũng là một thiên chức thiêng liêng để bé cảm nhận được hơi ấm và tình yêu thương của mẹ.
Nguồn: Phan Thị Bạch Tuyết – Trưởng phòng CTXH